Tin Tức Thị Trường

Giá sắt thép, gạch, sơn... tăng chóng mặt!

Giá sắt thép, gạch, sơn... tăng chóng mặt!

 Sắt thép: hơn 20 triệu đồng/tấn

Sáng 28.7, tại nhiều đại lý vật liệu xây dựng (VLXD), giá sắt thép các loại đều ở mức rất cao, từ 21 - 22 triệu đồng/tấn. Cụ thể sắt cây phi 18 của Vina Kyoel và thép Pomina khoảng 495.000 - 497.000 đồng/cây; thép cuộn (phi 6 và 8) từ 21.000 - 22.000 đồng/kg. Giá sắt của Thép miền Nam cũng chỉ thấp hơn từ 1.000 - 2.000 đồng so với các loại thép trên.

Xi măng giảm giá

Trong khi giá sắt thép và nhiều sản phẩm VLXD khác tăng mạnh thì giá xi măng trên thị trường đứng yên so với tháng 6, và giảm mạnh nếu so với giá bán lẻ của tháng 5. Thậm chí một số cửa hàng bán lẻ cũng đã hạ mức lời để đẩy mạnh lượng tiêu thụ. Ví dụ Xi măng Hà Tiên 1 quy định giá bán lẻ không quá 72.000 đồng/bao nhưng có cửa hàng chỉ bán ở mức 70.000 - 71.000 đồng/bao; giá bán một số sản phẩm xi măng khác thấp hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/bao. Nguyên nhân chính là tình hình tiêu thụ đã giảm mạnh và dự đoán sẽ còn tiếp tục giảm trong tháng 8 tới. Một phần vì miền Nam đang vào giữa mùa mưa nhưng phần lớn là do nhiều công trình xây dựng lớn của nhà nước, doanh nghiệp đã tạm hoãn để thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu chung.

Nếu như đầu tháng 7, giá bán lẻ sắt cây phi 18 của Vina Kyoei và Pomina chỉ ở mức 380.000 - 390.000 đồng/cây thì đợt tăng giá mạnh vào giữa tháng đã đưa giá lên thêm khoảng 100.000 đồng/cây. Tương tự mức tăng giá của thép cuộn sau đợt đó là gần 3.000 đồng/kg. Trong tháng 7, chỉ riêng Công ty Thép Việt cũng đã có hai lần điều chỉnh giá bán với mức tăng tổng cộng gần 2.000 đồng/kg.

Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, ước tính mức tiêu thụ thép trên cả nước trong tháng 7 khoảng 240.000 tấn (tháng 6 tiêu thụ gần 300.000 tấn): "Nếu theo giá phôi nhập khẩu mới hiện nay là 1.130 - 1.150 USD/tấn thì giá xuất xưởng của các doanh nghiệp sẽ vào khoảng 20 triệu đồng/tấn bao gồm cả thuế VAT. Riêng các công ty nhà nước được sản xuất phôi thì giữ giá bán thấp hơn khoảng 2 triệu đồng/tấn". Theo ông Cường, giá xăng dầu tăng cũng ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của ngành thép (tăng thêm khoảng 140.000 đồng/tấn) nhưng do nhu cầu tiêu thụ đang giảm nên trong thời gian ngắn trước mắt sẽ chưa thể điều chỉnh giá bán. Ông Tạ Trung Hiếu - Tổng giám đốc Công ty thép Vina Kyoei - cho rằng công ty sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến cung cầu trên thị trường mới đưa ra quyết định có điều chỉnh giá bán hay không.

Gạch, sơn tăng 30%

Gạch lót nền, lót tường của nhiều nhà sản xuất đã tăng vọt ngay từ đầu tháng 7. Ví dụ Công ty gạch Đồng Tâm Long An đã tăng giá bán ra khoảng 30%, một vài mã sản phẩm có mức tăng mạnh hơn. Cụ thể như gạch lót nền mã số 443 (kích thước 40 cm x 40 cm) giá trước đó là 109.560 đồng/thùng thì nay tăng lên 135.960 đồng/thùng; gạch viền 4LNice (13 cm x 40 cm) từ giá 97.900 đồng/thùng tăng lên 165.000 đồng/thùng; gạch lát nền vệ sinh (33 cm x 33 cm) giá từ 131.670 đồng/thùng tăng lên 173.250 đồng/thùng...

Tương tự, gạch của American Home, Viglacera... đều tăng giá trong tháng 7, mức tăng từ 10 - 20% tùy hãng và tùy sản phẩm. Các sản phẩm sứ vệ sinh, sơn tường... cũng có mức tăng giá từ 20 - 30% tùy theo nhãn hiệu. Chủ một cửa hàng VLXD trên đường Nguyễn Sơn (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết các loại VLXD khác như cát, đá, gạch ống... trong tháng 7 không tăng giá. Tuy nhiên sau khi giá xăng dầu tăng thì chi phí vận chuyển đã bắt đầu tăng thêm 70.000 - 100.000 đồng/xe tải (loại 5 khối). Vì vậy giá đến tay người tiêu dùng hiện nay đều đã tăng thêm so với đầu tháng 7.

"Bài ca tăng giá" của các loại VLXD khiến những người đang xây nhà, sửa nhà đứng ngồi không yên. Chị Dung - đang xây dựng một căn nhà tại Q.Tân Bình - cho biết khi khởi công làm nhà vào giữa tháng 6, giá thép chỉ ở mức 16.500 đồng/kg. Đến đầu tháng 7, chị mua thép với giá 19.000 đồng/kg và nay phải mua với giá mới là 22.000 đồng/kg. Chỉ riêng phần thép xây dựng chị Dung đã phải bù thêm hơn chục triệu đồng cho công trình trong gần 2 tháng qua. Chưa kể phần gạch lót nền tăng giá cũng khiến chị phải thêm vào một khoản tiền tương tự. "Tính ra cái gì cũng đã tăng lên so với lúc mình khởi công xây dựng, mà cũng đâu có lâu gì, chỉ mới gần 2 tháng thôi thì đã phải bù thêm gần 10% trên tổng giá trị công trình. Hiện nay tôi đang tính toán lại phần thiết bị hoàn thiện như gạch lót nền, sản phẩm sứ vệ sinh, sơn tường... để chuyển sang sử dụng các sản phẩm có giá thấp hơn loại mình chọn từ đầu, nhằm tiết kiệm phần nào chi phí", chị Dung nói. Anh Nguyễn Tuấn - một chủ thầu đã nhận công trình đang xây dựng ở Gò Vấp - cũng cho biết anh phải thương lượng với chủ nhà để bù phần trượt giá cho sắt thép, sơn nước mới có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Các tin khác:
  • Nhà máy Thép Hữu Liên
  • ming hữu liên
  • hữu liên investment
  • Kanson
  • Moderno
  • Sử dụng Ống thép Hữu Liên trong công trình Bệnh Viện Quốc Tế Miền Đông - Bình Dương.
  • Dự Án Quận 2
  • Ống thép Hữu Liên vinh dự góp mặt trong các hạng mục ống thép dân dụng của tòa nhà Kumho Asiana Plaza.
  • Ống thép Hữu Liên – sự lựa chọn hoàn hảo cho công trình Cụm cảng Chân Mây
  • Ống thép Hữu Liên nền tảng thép cho những hạng mục dân dụng của Vietcombank Tower
  • Ống thép Hữu Liên góp mặt trong công trình Saigon Pearl
  • Ống thép Hữu Liên góp mặt vào công trình dân dụng của Kenton Residences
  • Ống thép Hữu Liên sự lựa chọn cho Cầu Rạch Chiếc